top of page
Tìm kiếm

Chuyển Đổi Số Trong Nông Nghiệp Ở Việt Nam

Đã cập nhật: 4 thg 4

Trong những năm gần đây, tốc độ gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, và biến đổi khí hậu làm cho ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn và rủi ro, đòi hỏi nông nghiệp phải tái cơ cấu để thích ứng. Cùng với sự phát triển công nghệ và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam gia tăng năng suất sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo thu nhập cho người nông dân, giảm lãng phí thực phẩm.Tuy nhiên, các chính sách và hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện còn mang tính cục bộ địa phương và thiếu tính tổng thể trên phạm vi quốc gia. Dựa trên những tồn tại đó, bài viết này nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam, từ đó nêu lên những gợi ý chính sách nhằm thúc đẩy quá trình này.



Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, các chính sách về tín dụng đã tập trung gia tăng hạn mức tín dụng và giảm mức lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được vay tối đa bằng 70%-80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao mà không cần tài sản đảm bảo, và nhiều ưu đãi về cắt giảm thủ tục hành chính khác.


Việc ứng dụng nông nghiệp thông minh ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên có nhiều hạn chế như (1) thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ; (2) thiếu vốn đầu tư; (3) quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, phân tán cùng với chi phí ban đầu cao; (4) công tác quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo và hệ thống truy xuất nguồn gốc còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập; (5) chưa có một thị trường tiêu thụ lớn, ổn định; (6) nhiều doanh nghiệp vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về công nghệ, chủng loại máy móc cũng như chất lượng; (7) thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; (8) biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.


Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Vốn

Cần cắt giảm thủ tục và quy trình đăng ký đối với Quyết định 19/2018/QĐ-TTg và làm rõ các tiêu chí công nhận dự án nông nghiệp công nghệ cao để các tổ chức tín dụng có căn cứ cho vay. Cần thiết lập một cơ quan chuyên trách có thẩm quyền xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao thay vì phải làm việc cùng lúc với nhiều sở ban ngành khác nhau.


Bên cạnh đó, ngân hàng cần có phương án chi tiết để công nhận các tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới, và ao nuôi là tài sản thế chấp để vay vốn. Các ngân hàng thương mại cần nới rộng thời hạn trả nợ do nông nghiệp công nghệ cao khi gặp thiên tai và thời tiết bất lợi.


Các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí thiết bị bằng cách tận dụng các thành phần thiết bị ở địa phương để tự chế tạo nên các thiết bị với giá cả phải chăng hơn, thay vì nhập khẩu thiết bị trực tiếp từ quốc tế.


Nhà nước cần tập trung giải bài toán về tập trung và tích tụ ruộng đất cũng như nâng cao nhận thức và trình độ lao động của người nông dân để thu hút vốn đầu tư.

Đất đai

Nhà nước cần giảm các loại thuế phí (ví dụ: thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định) và tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đối với đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đứng ra làm đầu mối trung gian để thực hiện giao dịch nhằm tăng niềm tin của người nông dân đối với các doanh nghiệp ở ngoài địa phương.


Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tập hợp các hộ sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ. Cụ thể, các thành viên của hợp tác xã sẽ giao đất cho ban quản lý hợp tác xã tùy ý sử dụng. Ban quản lý hợp tác xã có trách nhiệm liên kết với các công ty tư nhân để đưa máy móc và mô hình công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, người sở hữu đất có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sau khi được tập huấn và đào tạo để có thể áp dụng được công nghệ cao.


Hơn nữa, cần đầu tư quỹ đất cho các khu nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương. Cần có các chính sách hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp ở các vùng đất đai phì nhiêu phù hợp sản xuất nông nghiệp và các vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Nhận thức và nguồn nhân lực

Để tăng cường ứng dụng nông nghiệp thông minh và công nghệ cao, cả người nông dân và các cấp chính quyền cần có nhận thức sâu rộng về chi phí và lợi ích của việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Do đó, các công ty cung cấp công nghệ cần biểu diễn trực tiếp và tận mắt cho nông dân và lãnh đạo địa phương thấy tác dụng của công nghệ để thuyết phục họ sử dụng.


Các trường Đại học và công ty cung cấp công nghệ cần hướng dẫn cho nông dân khả năng đọc hiểu dữ liệu được thu thập bởi hệ thống IoT, từ đó áp dụng vào các quyết định canh tác của mình. Bên cạnh đó, các công nghệ tương lai cần lấy người dùng làm trọng tâm và không ngừng cải tiến để biến các thiết bị trở nên thân thiện và dễ sử dụng hơn đối với người nông dân.


Kết nối mạng

Với việc kết nối mạng, cần có những chính sách tăng cường phủ sóng và giảm chi phí kết nối mạng internet ở những khu vực xa xôi hẻo lánh để giúp người nông dân tiếp cận công nghệ IoT. Bên cạnh đó, kết nối mạng Internet cũng sẽ tạo cơ hội cho người nông dân tăng cường các kiến thức về nông nghiệp và công nghệ thông tin.


Tăng cường liên kết, bao tiêu

Về việc tăng cường liên kết, chính quyền cần liên kết nông dân với các tổ chức sản xuất lớn để tăng cường áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và truy xuất nguồn gốc, đặc biệt ở các nông trại nhỏ.


Để làm được điều này, nhà nước cần tổ chức (i) đối thoại chính sách về phát triển công cụ kỹ thuật số cho nông nghiệp ở phạm vi cấp ngành, cấp quốc gia / tỉnh / lưu vực nông nghiệp; (ii) khuyến khích khởi nghiệp mạo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật số; (iii) cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính phù hợp cho các tổ chức sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp muốn đầu tư vào kỹ thuật số; (iv) cải thiện và quản lý quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin cần thiết để tiến hành máy học dữ liệu lớn trong nông nghiệp kỹ thuật số; (v) cải thiện khung pháp lý Thương mại điện tử; (vi) giải quyết các nút thắt trong nghiên cứu công; và (vii) hài hòa các can thiệp với các chương trình nghị sự của nền kinh tế kỹ thuật số.

Ngoài ra, cần phát huy các sàn thương mại điện tử trong việc quảng bá nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao. Các sàn thương mại điện tử này đóng vai trò cung cấp đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thông minh và xác lập các luật chơi phù hợp để ràng buộc chất lượng sản phẩm nông nghiệp được lên sàn.


Khung pháp lý

Việc xuất khẩu nông sản có truy xuất nguồn gốc thường nhắm đến các thị trường được quy định chặt chẽ về các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc nông sản. Do đó, nhà nước và các công ty tư nhân cần nghiên cứu kỹ khung pháp lý về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quốc gia này để xây dựng các tiêu chuẩn cho các nông trại của nông dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn này không chỉ được áp dụng cho thị trường xuất khẩu mà còn cần nhắm đến xây dựng khung pháp lý cho thị trường nội địa về truy xuất nguồn gốc. Các quy định của EU mà nhà nước có thể nghiên cứu áp dụng bao gồm EC 178/2002 và EC 1224/2009.


Xem toàn bộ bài nghiên cứu Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam tại đây. Lắng nghe podcad bài viết tại đây.


Nhóm tác giả: TS. Võ Tất Thắng, ThS. Vũ Ngọc Tân, Trương Hoàng Dũng, Nguyễn Thị Bích Hiền, Nguyễn Hoàng Lan – Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI), Khoa Kinh tế – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH.


Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #32 “Phân tích dữ liệu con người tại Việt Nam”.

6 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page