top of page
Tìm kiếm

HAPRI cùng TS. Lê Vĩnh Triển trò chuyện về định hướng của Viện trong bối cảnh đất nước.


T.S Lê Vĩnh Triển

Đầu tiên, xin gửi lời chào đến TS. Triển, hân hạnh được trao đổi với ông nhân dịp năm mới. Như đã hẹn trước, chủ đề hôm nay sẽ là định hướng của Viện và trong bối cảnh chung của Việt Nam.

- Cảm ơn HAPRI đã đồng hành với tôi trong cả năm vừa qua và có ý phỏng vấn tôi nhân dịp đầu năm về quan điểm của Viện và của cá nhân tôi về phát triển Việt Nam. Tôi cũng xem đây là cơ hội để tập hợp lại những ý tưởng của mình qua các cuộc trao đổi với lãnh đạo Viện, đặc biệt là PGS TS Võ Tất Thắng, Viện trưởng HAPRI.


Trước hết xin mời ông chia sẻ về quan điểm phát triển và định hướng hoạt động của Viện.

- Tôi sẽ trình bày sơ lược về quan điểm chung của Viện. Như đã biết, HAPRI là Viện nghiên cứu về chính sách cho hai lĩnh vực nền tảng cho sự phát triển đất nước, nên quan điểm của Viện cũng là định hướng chính sách (chủ quan) đối với đất nước. Có thể cho rằng đây là triết lý đằng sau các hoạt động của Viện cho sự phát triển của Việt Nam. Tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về Nông nghiệp, Sức khỏe và ít nhiều về Giáo Dục.


Về lâu dài, HAPRI sẽ hướng tới thay đổi nhận thức chung về các thang đo giá trị, nhận thức về giá trị đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Các đóng góp cho xã hội nên được ghi nhận qua các thước đo giá trị đa dạng chứ không nặng về yếu tố vật chất, tiền tệ như hiện nay. Thứ đến, các hoạt động và nghiên cứu của HAPRI cũng sẽ hướng tới đề cao chất lượng cuộc sống, vì các mục tiêu hạnh phúc – chia sẻ, hợp tác – sức khỏe (thể chất và tinh thần); giảm bớt áp lực làm giàu bằng mọi giá – cạnh tranh – suy kiệt. (Ví dụ như trong kinh tế thì HAPRI định hướng phát triển chứ không phải tăng trưởng)


Xin ông cho biết cụ thể hơn tại sao phải hướng tới những nhận thức mới như vậy?

- Về vấn đề tại sao phải có nhận thức mới như tôi vừa đề cập, hay tại sao nhận thức mới là cần thiết cho sự phát triển đất nước. Các bạn có thể thấy, chúng ta hay than phiền đạo đức xã hội xuống cấp, đồng tiền gần như định đoạt các quan hệ xã hội như một quan hệ nhân quả. Thước đo vật chất lấn át mọi thước đo khác trong việc đánh giá đóng góp xã hội. Nói ai đó có “công việc ngon” thì được hiểu là người đó kiếm được nhiều tiền, bất chấp cách có tiền, tích lũy được nhiều tài sản cá nhân mà không chút quan tâm gì đến ý nghĩa tinh thần hay đóng góp xã hội gì của công việc. Đó không chỉ là các công việc làm ăn kinh doanh mà còn ở mọi lĩnh vực, đáng lo ngại là ở ngay các công việc trong các cơ quan nhà nước, pháp luật, giáo dục, văn hóa nghệ thuật… Người người nhà nhà hướng tới kiếm tiền làm giàu mà bỏ qua đi những giá trị khác trong cuộc sống. Hướng nghiệp từ tiểu học, trung học như thế để vào các ngành “hái ra tiền” trở thành định hướng lối sống và cả đạo đức nghề nghiệp. Liên quan đến giáo dục và nông nghiệp như thế nào tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau. Khi thước đo giá trị cũng như việc đánh giá đóng góp xã hội của chúng ta bị lệch hẳn về tiền như vậy thì một mặt khiến những người làm trong các lĩnh vực vốn có ý nghĩa xã hội, có giá trị tinh thần sẽ sao nhãng mà tích cực kiếm tiền; mặt khác sẽ làm lụn bại các lĩnh vực đó do người trẻ được định hướng vào một số ngành kiếm tiền được bằng mọi giá, bất chấp năng lực, sở trường, tiềm năng đóng góp các giá trị văn hóa, tinh thần cho xã hội và cộng đồng của họ. Đất nước từ đó sẽ “què quặt” trong phát triển kinh tế, xã hội từ đó sẽ lệch lạc, thiếu hụt những sản phẩm tinh thần, văn minh ngày càng xa. Vì lẽ đơn giản như vậy, HAPRI cho rằng đã đến lúc thay đổi nhận thức xã hội, đặc biệt là đa dạng hóa các thước đo giá trị và xiển dương những đóng góp xã hội ở các khía cạnh nhân văn tinh thần và khai phóng.


Định hướng thứ hai cũng không phải mới, nhưng vấn đề là chưa ai quyết tâm làm. Nó có quan hệ biện chứng với định hướng thứ nhất. Tăng trưởng kinh tế với mục tiêu gia tăng các giá trị vật chất đã giải phóng lao động cơ bắp, khai thác các nguồn lực thô, tài nguyên, đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước và đời sống vật chất của người dân so với giai đoạn đất nước thực hiện kế hoạch hóa tập trung, bế môn tỏa cảng. Tuy vậy, các chính sách tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá trong một thời gian dài đã dẫn tới những hệ lụy như tổn hại môi trường, tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội và điều quan trọng như đã nói là khiến cả xã hội vận hành theo sức mạnh đồng tiền. Đất nước phát triển vật chất, mọi người chạy theo làm giàu, bỏ qua những giá trị tinh thần, chất lượng cuộc sống từ đó giảm sút. Con người cạnh tranh vật chất sức khỏe tinh thần và thể chất sa sút. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải quyết liệt hướng tới chất lượng cuộc sống, vì các mục tiêu hạnh phúc- chia sẻ, hợp tác – khỏe mạnh (thể chất và tinh thần).


Vậy những nhận thức nêu trên cụ thể là nhận thức của ai? Thay đổi nhận thức là thay đổi nhận thức của đối tượng nào? Xin ông nói rõ hơn?

- Nói thay đổi nhận thức xã hội là đúng nhưng chung chung. Đúng là vì tất cả các giới từ nhà nước, trí thức, doanh nhân – thị trường đến người dân phải cùng thay đổi thì mới tạo thành nhận thức mới của xã hội, đất nước mới chuyển mình. Và việc này không phải là một sớm một chiều mà cần thời gian nhiều năm. HAPRI tự nhận trách nhiệm khởi động và có chiến lược. Tuy nhiên để thành công thì rất cần sự đồng cảm và quyết tâm của mọi giới bền bỉ trong nhiều năm. Riêng nhà nước, đòi hỏi các lãnh đạo phải quan tâm đến di sản của mình cho đời sau.


Các bạn có thể nhận thấy, bên cạnh chính quyền-những người thực thi chính sách, các trí thức nghiên cứu trước tiên phải thay đổi nhận thức để có thể có những góp ý chính sách, định hướng thay đổi nhận thức của các thành phần khác. Hai thành phần này cần ý thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình trong việc xây dựng lại khung văn hóa cho xã hội, ý thức được ý nghĩa của các đóng góp của mọi giới theo nhiều khía cạnh khác nhau để phát triển mọi mặt của xã hội theo nghĩa đa dạng thước đo giá trị. Nói theo văn hóa phương Đông là danh chính ngôn thuận, và nói theo Marx là hình thức phù hợp nội dung. Quan chức, công bộc và trí thức không tham giàu, không ganh tị hay xu nịnh người giàu thì vị trí của họ sẽ quý, giá trị đóng góp của họ mới không thể đo được bằng tiền, vị trí của họ mới không thể bị đồng tiền mua chuộc dẫn dắt, tham nhũng sẽ tự giảm đi. Khi đó lời nói của họ đến các thành phần khác mới thuyết phục (ngôn thuận). Tương tự như vậy các giới sẽ có những bậc thang giá trị đặc trưng cho mình. Người làm thương mại, kinh doanh có giàu có cũng không thể xem thường đóng góp của nghệ sĩ, của nhà nông hay binh sĩ. Nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo, bác sĩ cũng xác định chức phận, ý nghĩa công việc và danh vị của mình chứ không chạy theo đồng tiền hay, mưu cầu chức tước để đánh mất mình; không cảm thấy hèn vì thiếu thốn tiền bạc… (Chỉ hèn khi chạy theo tiền). Một khi xã hội được dẫn dắt bởi nhiều thước đo giá trị, nhân phẩm con người sẽ được nâng lên vì những đóng góp của mọi giới đều được xem trọng. Khi đó cả hai mục tiêu nêu trên tự nhiên sẽ đạt được.


Quan điểm thay đổi nhận thức như ông vừa nêu trên nhắm vào các giới sẽ được cụ thể hóa như thế nào đối với các lĩnh vực mà HAPRI quan tâm và có trách nhiệm, thưa ông?

- Về Y tế, Nông nghiệp

HAPRI là Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, nhưng không thể tự giới hạn mình trong 2 lĩnh vực nêu trên. Rất dễ nhận ra, để thay đổi nhận thức xã hội về sự cần thiết đa dạng hóa các thước đo giá trị, các chiến lược an dân qua đảm bảo chăm sóc y tế là căn bản để làm mọi người an tâm tập trung vào việc tạo ra giá trị trong lĩnh vực của mình. Khi đồng tiền chi phối và hệ thống y tế không đảm bảo, bảo hiểm y tế không đầy đủ, không uy tín, người dân sẽ bằng mọi giá kiếm tiền để đề phòng bệnh tật vì không tin sẽ được đối xử công bằng, nhân đạo khi bệnh tật.


Ở lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc nghiên cứu và tư vấn chính sách kinh tế nông nghiệp, HAPRI quan tâm đến việc nâng cao đời sống của nông dân, vốn là thành phần thiệt thòi nhất trong xã hội nói chung và trong chính chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Đất nước sống nhờ nông nghiệp nhưng nông dân mãi là thành phần nghèo nhất là không công bằng và khó chấp nhận. Cụ thể, HAPRI định hướng nâng cao sức mạnh “mặc cả” của nông dân, nâng cao tỷ lệ được hưởng của nông dân trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc tạo ra giá trị vật chất, tính chất thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng của nhà nông cần được xem trọng nhằm nâng cao lợi ích của họ trong giá trị nông sản. Có thể minh chứng qua tính tối quan trọng của nông nghiệp trong đại dịch vừa qua.


Khi xã hội do thước đo đồng tiền chi phối, sự hy sinh vào đóng góp của nhà nông ở khía cạnh phi vật chất không được ghi nhận thỏa đáng, vị thế người nông dân không được xem trọng, nếu không nói là bị xem thường. Khi đó, người nông dân hoặc sẽ bỏ nghề hoặc sẽ làm nông nghiệp bất chấp tổn hại đất đai và môi trường. Điều này liên đới tới sức khỏe cộng đồng và góp phần tạo gánh nặng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.


Các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, thậm chí là chuyển đổi số được đề cập nhiều hiện nay, cũng như việc phát triển hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí thể chế tiêu cực, hậu cần để giúp nông sản cạnh tranh như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu không thay đổi nhận thức về vị thế của nhà nông, không công nhận sự đóng góp của họ với tư cách “đầu sóng ngọn gió” trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, trong an ninh lương thực thì nông dân vẫn mãi nghèo, bất công vẫn tồn tại.


- Về Giáo dục

Để thay đổi nhận thức về thang đo giá trị cũng như về sự đóng góp đa dạng của các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ đó mọi xã hội phát triển hài hòa, mọi nghề nghiệp đều được ghi nhận đóng góp đặc trưng và được tôn trọng, chúng tôi cho rằng cần định hướng sâu rộng trong giáo dục nhằm làm nền tảng cho các thay đổi chính sách trong phát triển kinh tế. Giáo dục và hướng nghiệp phải hướng tới phát triển bền vững, đa dạng và ghi nhận sự đóng góp của mọi giới trong việc nâng cao phúc lợi và hạnh phúc của con người. Sinh viên, học sinh được định hướng phát triển nghề nghiệp theo sở trường, tiềm năng phát triển và đóng góp cho xã hội chứ không chỉ để kiếm thật nhiều tiền. Định hướng như vậy sẽ làm nền tảng cho các chiến lược phân luồng học sinh cuối cấp theo các lĩnh vực khai thác tốt nhất tiềm năng người học. Định hướng như vậy củng cố tính chuyên nghiệp của các lĩnh vực. Sự đóng góp về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, văn hóa được tôn trọng như nhau sẽ xóa dần việc chạy theo đồng tiền, bị đồng tiền dẫn dắt. Nhiều tệ nạn như tham nhũng trong khu vực nhà nước, suy yếu đạo đức trong mọi ngành đặc biệt giáo dục và y tế sẽ tự nhiên giảm hẳn do người dân được đảm bảo công bằng phúc lợi, y tế và được tôn trọng trong nghề nghiệp của mình.


Theo ông, để làm được những điều trên như nhận thức xã hội thay đổi, giá trị tinh thần, hạnh phúc được tôn trọng, mọi ngành đều trở nên chuyên nghiệp hơn và đất nước phát triển hài hòa, bền vững… mà trước hết là để đánh động nhận thức chung của các giới thì cần những điều kiện gì và Hapri sẽ có những chiến lược cụ thể gì?

HAPRI sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu và tư vấn chính sách về các lĩnh vực nêu trên để thuyết phục rằng phát triển là cần thiết chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Các nghiên cứu cũng hướng đến đảm bảo công bằng xã hội trên quan điểm các giá trị văn hóa tinh thần cần thực sự được xem trọng bên cạnh việc tạo ra của cải vật chất. Ngoài ra, việc tương tác với bạn đọc và truyền thông cũng sẽ được quan tâm vì để thay đổi một việc như nhận thức xã hội thì ngoài việc tác động đến giới làm chính sách và trí thức, chia sẻ và lan tỏa quan điểm về nhận thức mới với các giới là cần thiết không kém.


Trên quan điểm quản trị hợp tác (Collaborative Governance), chúng tôi cho rằng các bài toán xã hội cần được giải quyết trên quan điểm hợp tác - chia sẻ chứ không phải cạnh tranh mất còn bằng mọi giá. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân sẽ được các bên ý thức rằng lợi ích và sự an tâm của người dân nên là mục tiêu chung, từ đó các bên đều được tôn trọng và phát triển. Nhà nước, giới y bác sĩ, bảo hiểm y tế công cũng như tư, quản lý các bệnh viện công và tư, các công ty sản xuất và phân phối dược phẩm, các tổ chức xã hội đại diện cho dân (bệnh nhân) cần hiểu thấu những lợi ích, khó khăn của các bên và đặc biệt là của người dân để đảm bảo công bằng trong phân phối lợi ích; hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế theo hướng đảm bảo công bằng cho mọi giới – đóng góp vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng và xã hội.


Cũng trên quan điểm này ở lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, nhà khoa học, nhà nông trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp cần ý thức trách nhiệm, vị thế của mình và lợi ích của các bên, đặc biệt là của người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhà nông, giúp họ ổn định và phát triển xứng đáng với vai trò và đóng góp của họ đối với kinh tế nước nhà.


Ngoài ra, vị thế người lao động trong các doanh nghiệp (công nhân) cũng cần được xem lại nhằm đảm bảo tốt hơn đời sống kinh tế của thành phần này. Trong suốt quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường với áp lực tăng trưởng, nhà nước tạo điều kiện cho thị trường phát triển nhưng quyền lợi của người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động chưa được quan tâm đúng mức (trừ một số ít các doanh nghiệp lớn, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các nước phát triển). Sự phê phán dành cho giới chủ đối với công nhân tại các nước tư bản hàng trăm năm trước có lẽ đúng với các nước mới chuyển mình sang kinh tế thị trường ngày nay. Đương nhiên, giới chủ doanh nghiệp cũng xứng đáng có môi trường thể chế minh bạch và ít tham nhũng hơn để giảm bớt các chi phí phi sản xuất. Tuy vậy, không thể vì ưu ái cho sự phát triển của doanh nghiệp vì áp lực tăng trưởng mà quên đi quyền lợi và phúc lợi của người lao động. Các quốc gia như Nhật và Hàn quốc đã cung cấp các bài học kinh nghiệm tốt cho việc nâng cao đời sống kinh tế và phúc lợi của người lao động mà ở đó, nhà nước vừa minh bạch và ít tham nhũng để doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh, vừa đòi hỏi doanh nghiệp quan tâm hơn đến quyền lợi của công nhân.


Sự tham lam của các bên được kiềm chế và kiểm soát, ý thức trách nhiệm đối với thành phần yếu thế nhất là người dân (bệnh nhân) hay nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được nâng lên. Đó nên là mục tiêu chung của phát triển nhân văn và bền vững.


Trong quá trình quản trị hợp tác, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều phối mối quan hệ giữa các bên thông qua việc chủ động, tìm hiểu lợi ích và trở ngại của các bên, thuyết phục các bên vì lợi ích chung của hợp tác - phát triển trên tinh thần khách quan, minh bạch, đồng thuận. Để làm được tốt việc này, nhà nước phải được các bên tin tưởng, và để có được sự tin tưởng này nhà nước phải minh bạch, trong sạch và có năng lực. Khi đó các bên sẽ sẵn sàng hy sinh phần lợi ích của mình vì lợi ích chung.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!


13 lượt xem0 bình luận

留言


bottom of page