Sáng ngày 29/1/2021, hội thảo “Tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm” đã diễn ra với sự góp mặt của hơn 30 khách mời là các giảng viên trong và ngoài trường Đại học Kinh Tế TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia đa ngành, cùng các bạn sinh viên.
Về phía diễn giả, hội thảo vinh dự có sự tham gia của GS. Matthew Gorton – Đại học Newcastle (online), TS. Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc – Chủ tịch Công ty nước mắm Khải Hoàn, TS. Hoàng Văn Việt, Ths. Nguyễn Khánh Duy, và TS. Võ Tất Thắng – Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Buổi hội thảo chia sẻ kết quả từ Dự án nghiên cứu “Tăng cường Tính bền vững của Chuỗi Thực phẩm Châu Âu bằng Chính sách Chất lượng và Mua sắm (Strength2Food)” được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu. Dự án hướng đến đánh giá tính bền vững về kinh tế, xã hội, và môi trường của việc đăng ký Chứng nhận Bảo hộ xuất xứ hàng hóa (PDO) cho nước mắm Phú Quốc và Bảo hộ chỉ dẫn địa lý (PGI) cho cà phê Buôn Ma Thuột ở Việt Nam.
Trình bày trực tuyến ở buổi hội thảo, GS. Matthew Gorton đã có những chia sẻ về dự án nghiên cứu Strength2food. GS cho biết GI (Geographical Indication – Chỉ dẫn địa lý) sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Thái Lan. Tiếp đó, ông nhận xét rằng PDO và PGI tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở khía cạnh người tiêu dùng và nhà sản xuất. Do đó, nhu cầu của những sản phẩm này cần được xúc tiến và đẩy mạnh hơn nữa.
Để giúp người tham dự, đặc biệt là các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình bảo hộ và vận hành Chỉ dẫn địa lý (PDO), TS. Hồ Kim Liên đã trình bày về case study của nước mắm Phú Quốc – sản phẩm nước mắm đầu tiên được Liên Minh Châu Âu bảo hộ vào cuối năm 2012. Bên cạnh đó, TS. Liên còn nhấn mạnh những nguyên tắc để bảo vệ thương hiệu nước Mắm và tầm quan trọng của việc gìn giữ giá trị truyền thống trong kinh doanh. Từ đó, giúp sản phẩm nước mắm Phú Quốc nói riêng và các sản phẩm PDO nói chung có cơ hội phát triển bền vững.
TS. Hoàng Văn Việt và Ths. Nguyễn Khánh Duy đã lần lượt trình bày kết quả nghiên cứu về tính bền vững của nước mắm Phú Quốc có chứng nhận PDO, và cà phê Buôn Ma Thuột có chứng nhận PGI. Tuy nhiên, cả hai kết quả đều cho thấy sự khác biệt giữa sản phẩm PDO/PDI và NON-PDO/PGI chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, hai Thầy cũng đề cập đến những rào cản, tiềm năng và đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm này.
Trong phần thảo luận cuối chương trình, với sự dẫn dắt của TS. Võ Tất Thắng, những câu hỏi về quy trình bảo hộ, chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp sở hữu sản phẩm được Chỉ dẫn địa lý đã phần nào được làm sáng tỏ. TS. Võ Tất Thắng cũng đưa ra quan điểm về vai trò quan trọng của Hiệp hội và nhà lãnh đạo trong quá trình phát triển và đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, Thầy đã đề xuất thêm nhiều điểm mới, có giá trị đào sâu nghiên cứu và phát triển sau này. Đặc biệt, TS. Liên đã chỉ ra phương châm để phát triển nước mắm Khải Hoàn là tập trung vào đạo đức trong kinh doanh, nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Những điều này định hình sự thành công của doanh nghiệp nước mắm Khải Hoàn.
Buổi hội thảo đã giúp người tham dự hiểu rõ hơn về việc đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm và sự khác biệt giữa nước mắm PDO và NON-PDO. Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe – HAPRI – xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các diễn giả, khách mời cùng toàn thể người tham dự.
Hẹn gặp lại tại những chương trình tiếp theo do Viện tổ chức.
Toàn bộ tài liệu liên quan được đề cập trong buổi hội thảo có thể được download tại đây:
Comentarios