top of page
Tìm kiếm

HAPRI TALKS: Laws and Development

Đã cập nhật: 1 thg 4

HAPRI TALKS: Laws and Development - Từ nhà nước phát triển sang nhà nước điều tiết: Mô hình phát triển của Đông Á? Trường hợp thú vị của Thái Lan



Tiếp nối chuỗi HAPRI TALKS, ngày 12/01/2022, hội thảo với chủ đề “Từ nhà nước phát triển sang nhà nước điều tiết: Mô hình phát triển của Đông Á? Trường hợp thú vị của Thái Lan” đã diễn ra trực tuyến qua nền tảng Zoom. Anh Lê Nguyễn Duy Hậu đã chia sẻ các góc nhìn trong nghiên cứu của mình về luật pháp ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hội thảo do Thầy Võ Tất Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe chủ trì và thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng các bạn sinh viên. Hội thảo còn vinh dự được tiếp đón Thầy Lê Vĩnh Triển – giảng viên khoa Quản lý nhà nước.


Anh Duy Hậu là người có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành luật. Anh Hậu tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Luật TPHCM và Thạc sỹ Luật Tài chính tại Đại học Goethe, Đức, và Thạc sỹ Luật hiến pháp tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ vào năm 2021 theo chương trình học bổng Fulbright. Anh hiện là luật sư và nhà nghiên cứu chính sách tại TPHCM. Anh đồng thời cũng đang giảng dạy luật tại các trường đại học tại Việt Nam.



Tại buổi chia sẻ, với chủ đề Laws and Development, anh đã chỉ ra rằng, hầu hết các quốc gia Đông Á trong thế kỷ 20 đều trải qua một quá trình vận hành Nhà nước phát triển (developmental state) trước khi chuyển sang Nhà nước điều tiết (regulatory state). Quá trình chuyển đổi này cho phép các quốc gia tập trung được nguồn lực kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như năng lực của chính quyền trong giai đoạn Nhà nước phát triển, trước khi lui về điều tiết quá trình duy trì thịnh vượng khi các nguồn lực tư đã đủ mạnh. Tuy nhiên, một số quốc gia như Thái Lan lại có vẻ không đi theo xu hướng này. Theo anh, có hai cách lý giải thực sự mang tính thuyết phục cho điều này. Thứ nhất, dưới góc nhìn của luật pháp và phát triển thì anh Hậu đã chỉ ra cho người nghe hiểu về bất ổn chính trị ở Thái Lan. Khi nghiên cứu về Thái Lan, anh nhận ra một điều khá thú vị ở quốc gia này là họ xem đảo chính như một phương pháp hiến pháp để xử lý xung đột chính trị. Việc đảo chính như một cách để tái khẳng định trật tự chính trị của Thái Lan, tránh các hình thức dân chủ hóa, dân chủ hóa chính quyền. Điều này tạo nên một vòng lặp: bầu cử -> liên minh -> tham nhũng -> biểu tình -> đảo chính -> hiến pháp mới -> bầu cử. Cách lý giải thứ hai, anh cho rằng Thái Lan có một nền tảng luật tư vững mạnh và hệ thống tư pháp thương mại đáng tin cậy. Mặc dù Thái Lan là một quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề tham nhũng, nhưng quốc gia này đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giám sát thị trường và xử lí rất triệt để những sai phạm. Ngoài ra, anh Hậu còn chia sẻ những góc nhìn từ một nhà đầu tư đối với hiện tượng của Thái Lan. Anh cũng khẳng định rằng luật pháp cần phải rõ ràng và ổn định, phát triển kinh tế phải dự vào nền tảng luật pháp để tránh gây ra sự hỗn loạn.


Buổi thảo luận khép lại với nhiều kiến thức mới được tiếp cận, khai thác, và những ý tưởng nghiên cứu mới được nhen nhóm. HAPRI xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Anh Hậu với những chia sẻ mà Anh đã mang đến. Đồng thời HAPRI cũng rất trân trọng sự tham gia nhiệt tình, những phát biểu đầy tính xây dựng, đóng góp của những người tham dự.




26 lượt xem0 bình luận

Commentaires


bottom of page