top of page
Tìm kiếm

Kinh tế học hạnh phúc từ góc nhìn của một giáo sư Đại học Auckland, New Zealand

Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) hàng năm, New Zealand liên tục nằm trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Giáo sư Robert MacCulloch, một chuyên gia về kinh tế học hạnh phúc từ trường Đại học Auckland, cho rằng người New Zealand khá hài lòng với cuộc sống của họ, đó là một điều tốt. Tuy nhiên, người New Zealand lẽ ra có thể làm tốt hơn bằng những cải cách đột phá, thay vì cứ chọn những cách làm an toàn và “tự mãn” về xếp hạng hạnh phúc của mình. Sự tự mãn này làm cho người New Zealand không có động lực để thay đổi, và điều này, theo MacCulloch, có thể sẽ dẫn đến những viễn cảnh không mấy tốt đẹp cho New Zealand trong tương lai.


Đại dịch COVID-19 làm cho người ta suy nghĩ nhiều hơn về hạnh phúc. Ông cho rằng New Zealand gần như đã duy trì một cuộc sống bình thường, một ngoại lệ đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang vật lộn với COVID-19. Tuy nhiên, hạnh phúc này của New Zealand cũng tương đối mong manh. Năm 2019, cứ mỗi đô la Chính phủ New Zealand chi, thì 71 cents là dành cho giáo dục, y tế và phúc lợi. MacCulloch cho rằng chính COVID-19 đã tạo ra động lực cải cách cho New Zealand. Đó là điều cần thiết nếu nước này muốn duy trì mức độ hạnh phúc hiện có, và hạnh phúc đó phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống phúc lợi và y tế.


Ngân sách Hạnh phúc (Well-being Budget)

MacCulloch ủng hộ Ngân sách Hạnh phúc do Chính phủ New Zealand đưa ra, song, ông cũng quan ngại về tính thực tiễn của Ngân sách này. Ông cho rằng nó không rõ ràng. Ngân sách Hạnh phúc dựa trên một bảng đánh giá phức tạp với hơn 50 chỉ số.


Theo MacCulloch, quá nhiều chỉ số sẽ tạo ra sự không nhất quán, nó trở thành điểm yếu của cách đo lường này. Ông cho rằng chỉ nên dùng một hoặc hai chỉ số đơn giản, ví dụ, đo lường mức độ hạnh phúc bằng câu hỏi: “Đánh giá mức độ hài lòng của bạn đối với cuộc sống” với các thang đo “rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng lắm, rất không hài lòng”. Để trả lời câu hỏi như trên, người được hỏi không cần phải có kiến thức về kinh tế, mà chỉ cần để ý một chút về cảm giác của mình.


Bằng cách kết hợp dữ liệu thu được từ câu hỏi trên với các yếu tố vĩ mô như tỷ lệ lạm phát, bất bình đẳng, thay đổi trong thu nhập, tỷ lệ tội phạm, yếu tố môi trường, MacCulloch và các nhà kinh tế học khác đã có thể định giá hạnh phúc cho hầu như mọi thứ. Ví dụ, chúng ta có thể đánh giá tác động của môi trường lên hạnh phúc con người như sau. Sự gia tăng ô nhiễm không khí đo bằng lượng tăng khí thải SO2 ở mức 1 phần triệu hạt trên mét khối không khí (1µ/m3) khiến mọi người cảm thấy tồi tệ hơn là khi thu nhập hộ gia đình của họ giảm 1,5%.



TS. Robert MacCulloch, nhà kinh tế học hạnh phúc, Đại học Auckland, New Zealand

Phí tổn tinh thần của suy thoái kinh tế

Trong các bài nghiên cứu tốt nhất của mình, MacCulloch đánh giá tác động của suy thoái kinh tế và thất nghiệp lên mức độ hạnh phúc của người Mỹ và Châu Âu. Ông phát hiện ra rằng suy thoái kinh tế không chỉ làm người ta tổn thất về tài chính, mà còn cảm thấy căng thẳng, bồn chồn, và dần trở nên trầm cảm. Điều này tạo ra phí tổn tinh thần vô cùng lớn, nó kéo dài thậm chí đến cả sau suy thoái. Cụ thể, một người bị mất việc do khủng hoảng kinh tế sẽ bị giảm mức độ hạnh phúc nhiều hơn 1.3 lần so với nỗi đau họ phải trải qua trong một cuộc ly hôn. Một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp gia tăng thì cư dân sẽ giảm mức độ hạnh phúc tương đương với khi GDP nước này giảm 5.7%.


Nghiên cứu của ông gây ra nhiều tranh cãi bởi nó đặt một dấu chấm hỏi về quan điểm của các nhà kinh tế đương thời. Các nhà kinh tế học truyền thống cho rằng nếu một người bị mất việc trong một cuộc suy thoái, họ có thể coi đó là cơ hội để đi nghỉ mát, hoặc để đào tạo thêm, hay thử một việc gì mới. Trong mô hình truyền thống, khó khăn duy nhất mà một người phải đối mặt khi mất việc là mất tiền lương tạm thời. Đo lường theo cách truyền thống, ở cấp quốc gia, chi phí cho một cá nhân mất việc là rất nhỏ, trung bình khoảng 200USD/năm. Việc điều chỉnh lại hoàn cảnh, nghỉ làm hoặc tìm việc mới được cho là diễn ra nhanh chóng.


MacCulloch cho rằng các chuyên gia kinh tế đã mắc sai lầm rất lớn. “Nếu bạn đến gặp bác sĩ và họ hỏi bạn đang cảm thấy thế nào, bác sĩ sẽ lắng nghe câu trả lời của bạn một cách nghiêm túc, các nhà kinh tế học thì không.”


Kinh tế vĩ mô hạnh phúc (Macroeconomics of happiness)

Quan điểm kinh tế thịnh hành cho rằng dữ liệu dựa trên đánh giá chủ quan của mọi người về hạnh phúc là vô nghĩa. Do đó, phát hiện của MacCulloch về tác động của những thăng trầm kinh tế đối với cảm giác hạnh phúc của con người là một bước đột phá lớn.


Bằng cách giới thiệu các cụm từ mới như 'Kinh tế vĩ mô hạnh phúc', MacCulloch đã giúp mở ra lăng kính lấy con người làm trung tâm để định hình tư duy và chính sách kinh tế. Điều này trái ngược với quan điểm phổ biến đã định hình chính sách kinh tế ở phương Tây từ nửa cuối thế kỷ 20. “Các mô hình kinh tế học trước đây, đặc biệt là Trường phái Chicago ở Hoa Kỳ, với trọng tâm duy nhất là GDP và quan điểm duy vật, đã không giải thích được các sự kiện lớn của nền kinh tế thế giới.


Trường phái Chicago bao gồm nhóm các nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất từ ​​cuối thế kỷ 20 cho đến ngày nay, trong đó có người đoạt giải Nobel Milton Friedman. Các công trình nghiên cứu của của họ về thị trường và thương mại tự do vẫn có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, MacCulloch cho rằng ngày càng có nhiều nghi ngờ về những mô hình kinh tế này sau sự sụp đổ thị trường cổ phiếu toàn cầu năm 1987 và suy thoái kinh tế sau đó.


Một vấn đề trong việc phổ biến công trình của MacCulloch đó là các tạp chí kinh tế uy tín đa số được xuất bản tại Hoa Kỳ, và được duyệt bởi các nhà kinh tế thuộc trường phái kinh tế Hoa Kỳ. Do đó, MacCulloch và những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Kinh tế Hạnh phúc gặp nhiều khó khăn khi công bố nghiên cứu của họ. MacCulloch nói: “Chủ đề này không phổ biến ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đó là do văn hóa và cũng bởi vì trọng tâm của người Mỹ là tối đa hóa lợi nhuận và thị trường tự do.”


Trước MacCulloch, việc lấy GDP là thước đo duy nhất cho thịnh vượng của một quốc gia đã từng vấp phải những ý kiến phản đối. MacCulloch đề cập đến bài phát biểu vào năm 1968 tại Kansas của Robert Kennedy khi đang là ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ:


“GDP không thể hiện sức khỏe của con cái chúng ta, không cho thấy chất lượng giáo dục hay niềm vui của trẻ. Nó không bao gồm vẻ đẹp của thơ ca, sự bền vững của hôn nhân, tính sắc sảo trong các cuộc tranh luận, hay sự liêm chính của công nhân viên chức. Nó không đo được lòng dũng cảm, trí tuệ, hay sự tận tâm của chúng ta đối với đất nước. Nói cách khác, GDP đo lường mọi thứ, nhưng lại không đo được những điều làm cho cuộc sống này trở nên đáng sống.”

Đo lường thịnh vượng bằng GDP trở thành một câu hỏi lớn đối với các nhà kinh tế học sau khi Richard Easterlin, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Nam California, xuất bản bài báo “Tăng trưởng kinh tế có cải thiện số phận con người hay không” vào năm 1974. Easterlin có thể được coi là cha đẻ của cách tiếp cận hạnh phúc trong kinh tế học. Nghiên cứu của Easterlin chỉ ra rằng trong một quốc gia, những người giàu thường hạnh phúc hơn nhiều so với người nghèo, nhưng những quốc gia giàu thì không hạnh phúc hơn những quốc gia nghèo, và khi một quốc gia trở nên giàu có hơn về của cải, mức độ hạnh phúc của họ cũng dần bão hòa và không tăng lên nữa.


Kinh tế thần kinh học (Neuro-economics) trong tương lai

MacCulloch nhận xét: “Lập luận của Easterlin đánh vào cốt lõi ý nghĩa của đời sống kinh tế trên hành tinh này. Tất cả chúng ta đều đang vật lộn để sản xuất ra nhiều của cải hơn, nhưng điều đó có làm cho chúng ta hạnh phúc hơn không?” Ông cho rằng sự khác biệt về hạnh phúc giữa người nguyên thủy và chúng ta không tỷ lệ thuận với sự khác biệt trong thu nhập.


Nhờ những tiến bộ trong khoa học y tế, chúng ta ngày càng hiểu nhiều hơn về cách hoạt động của não bộ. Thậm chí còn có một lĩnh vực mới hiện nay được gọi là kinh tế thần kinh học. MacCulloch dự đoán một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể đo lường hạnh phúc một cách chính xác thông qua phản ứng của não bộ. Điều này rồi sẽ thay đổi suy nghĩ của những nhà kinh tế hiện chỉ đo lường mức độ hạnh phúc bằng số dư tài khoản ngân hàng của chúng ta.


HAPRI lược dịch


309 lượt xem0 bình luận

Bình luận


bottom of page