Trong khuôn khổ đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Viện nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) là đối tác chính. Đề tài này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Chương trình John Dillon Fellowship quản lý bởi trường Đại học New England (UNE, Úc). Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung năng lực lao động nông nghiệp và kỹ năng cốt lõi, xác định các khoảng trống và sự thiếu hụt năng lực, kỹ năng cốt lõi cho lao động; cung cấp thông tin và các lộ trình khả thi nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cốt lõi cho người nông dân trồng xoài trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tương lai.
Trong khuôn khổ của đề tài, HAPRI và VNUA đã tiến hành phỏng vấn sâu các doanh nghiệp xuất khẩu tại Sơn La và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về các điều kiện xuất khẩu xoài. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức thảo luận nhóm các thành phần trong chuỗi xuất khẩu xoài về các khó khăn trong quá trình sản xuất nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng.
Vừa qua, trong thời gian từ ngày 2 đến ngày 4/3/2023, VNUA đã tổ chức khảo sát thực tế về tình hình canh tác nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng và bán xoài của các nông hộ ở tỉnh Sơn La. Đại diện của Viện HAPRI, Ths. Vũ Ngọc Tân cũng đã có mặt để hỗ trợ đoàn hoàn thiện bảng hỏi và học hỏi kinh nghiệm để tổ chức khảo sát ở ĐBSCL. Sau buổi khảo sát này, HAPRI sẽ tiến hành khảo sát nông dân trồng xoài xuất khẩu ở Đồng Tháp. Dự kiến chuyến khảo sát sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3. Song song đó, VNUA sẽ tiến hành nhập liệu, làm sạch và phân tích kết quả khảo sát tại Sơn La. Kết quả khảo sát tại hai địa điểm sẽ được trình bày trong báo cáo kết thúc dự án.
Qua các ngày làm việc tại tỉnh Sơn La, đoàn đã lần lượt tiến hành trao đổi và khảo sát người dân trồng xoài ở hai huyện Mai Sơn và Yên Châu. Thông qua sự hỗ trợ của cán bộ địa phương và các trưởng bản tại điểm nghiên cứu, đại diện các hộ nông dân trồng và bán xoài tại các xã Hát Lót và Chiềng Mung của huyện Mai Sơn và các xã Chiềng Hặc và Sặp Vạt của huyện Yên Châu.
Đoàn khảo sát tại bản Yên Tiến, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Đoàn khảo sát tại bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Một cánh đồng xoài ở xã Hát Lót, huyện Mai Sơn
Đoàn khảo sát tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Ths. Vũ Ngọc Tân (HAPRI) tham gia phỏng vấn người lao động trồng xoài tại Sơn La
Đoàn khảo sát tại hợp tác xã Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu
Trong các buổi làm việc nhóm khảo sát đã chia sẻ và lắng nghe mong muốn của người lao động trồng và bán xoài về những khó khăn trong việc canh tác, cũng như trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của chính quyền và người dân tỉnh Sơn La để hoàn thành tốt đợt khảo sát này.
Bên cạnh đó, nhóm đã có buổi tham quan Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) – Chi nhánh Sơn La. DOVECO là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả không chỉ ở thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế.
Nhóm khảo sát đến thăm nhà máy Doveco Sơn La
Comentarios