top of page
Tìm kiếm

HAPRI tổ chức thảo luận nhóm các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu xoài tại huyện và TP. Cao Lãnh

Đã cập nhật: 15 thg 3

Ngày 16-17/02/2023, viện HAPRI đã tiến hành tổ chức 02 buổi thảo luận nhóm tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp nhằm phục vụ dự án “Phát triển năng lực và kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam”. Dự án nằm trong chuỗi các hoạt động của viện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và y tế tại Việt Nam.


ThS. Vũ Ngọc Tân, chuyên viên nghiên cứu thuộc viện HAPRI, thành viên chính thực hiện dự án, đã có buổi gặp mặt với ông Nguyễn Khắc Mỹ, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Cao Lãnh, ông Lê Chí Hiếu, lãnh đạo TTDVNN TP. Cao Lãnh, nông dân Nguyễn Văn Mách (Phó chủ nhiệm Minh Tâm hội quán), ông Võ Tấn Bảo (Giám đốc HTX DVNN Tịnh Thới), và các đại diện nông dân và Hội nông dân tại HTX Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và HTX Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh. Buổi gặp mặt nhằm tìm hiểu thực trạng sản xuất, tình hình liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu xoài và nhận thức của từng tác nhân về chuyển đổi số ở địa phương.


Hiện HTX Mỹ Xương và HTX Tịnh Thới là hai địa phương sản xuất xoài trọng điểm của Đồng Tháp. 3 loại xoài chính được trồng bao gồm xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, và xoài tượng da xanh, trong đó xoài cát Chu chiếm phần lớn tổng sản lượng. Hiện hai HTX đang thực hiện thí điểm nhật ký điện tử để phục vụ quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, HTX Mỹ Xương còn thí điểm hệ thống tưới phun tự động và HTX Tịnh Thới đang bắt đầu áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến cải tạo đất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ từ giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc thay thế thuốc hóa học.


Để kết nối giữa các tác nhân trong chuỗi, UBND TP. Cao Lãnh thường tổ chức hội nghị liên kết tiêu thụ hằng năm. Tại hội nghị, doanh nghiệp sẽ ký kết biên bản và hợp đồng liên kết với HTX về diện tích bao tiêu đối với các vụ chính trong năm. Ngoài ra, nông hộ sẽ tự liên kết với thương lái và doanh nghiệp đối với các vụ nhỏ còn lại. Hình thức liên kết đối với các vụ này thường dựa trên uy tín và giá cả thỏa thuận theo biến động của thị trường.Bên cạnh thị trường lớn là Trung Quốc, xoài tại Đồng Tháp còn được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Australia, và New Zealand.


Yếu tố gây khó khăn nhất đối với nông dân trồng xoài là đầu ra không ổn định và giá cả bấp bênh. Đối với thị trường Trung Quốc, việc đóng cửa do dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến đầu ra của nông dân. Đối với các thị trường khó tính, dư lượng thuốc không đảm bảo là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đảm bảo dư lượng thuốc vẫn đang là thách thức lớn đối với nông dân trồng xoài ở Đồng Tháp do quy trình canh tác chưa thống nhất, nhiều nông dân không tuân thủ theo quy trình, một phần do diện tích canh tác còn nhỏ lẻ.


Thời tiết là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của nông dân trồng xoài. Mưa và sương muối thất thường trong thời kỳ ra hoa khiến cho tỷ lệ đậu trái thấp cũng là nguyên nhân khiến cho nông dân gặp khó khăn thực hiện cam kết sản lượng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sau dịch bệnh và chiến tranh làm tăng giá thành sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Đại diện nông dân cho biết chất lượng vật tư không ổn định do còn xuất hiện tình trạng pha chiết, trộn lẫn với sản phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật.


Trong buổi làm việc, cán bộ địa phương và lao động trồng xoài xuất khẩu ở Đồng Tháp đã thể hiện được nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong việc nâng cao giá trị của trái xoài. Tuy nhiên, việc áp dụng chuyển đổi số còn gặp nhiều thách thức do nông dân trồng xoài đa số là người lớn tuổi, hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin.


Sau đây là một số hình ảnh từ chuyến đi:

Nông dân phơi túi bao trái xoài

Nông dân thuê người bao trái

0 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page