TS. Lê Vĩnh Triển - TS. Nguyễn Quỳnh Huy - 16/07/2020 cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Cùng đứng trước cách mạng công nghiệp 4.0, các nước phát triển có nền giáo dục đại học hiện đại và khai phóng đang có một lợi thế tự nhiên vô cùng lớn so với các nước có nền giáo dục lạc hậu. Đại học Việt Nam đang ở đâu và cần phải làm gì trước cuộc chơi chung?
Kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với đặc trưng về sự kết nối, tương tác và sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Các quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực để sẵn sàng thích nghi và có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, thay đổi mô hình giáo dục là cần thiết để có thể hình thành một thế hệ cởi mở, sáng tạo, chấp nhận sự đổi mới và cạnh tranh.
Thay đổi để phù hợp xu hướng giáo dục nêu trên, trách nhiệm chính là của giáo viên. Tuy nhiên, các nhà quản trị giáo dục phải đóng một vai trò hỗ trợ mang tính quyết định và không coi quá trình chuyển đổi đó là mối đe dọa đối với việc dạy học truyền thống.
Không thấy tên giáo dục đại học Việt Nam
Với một nền kinh tế ở phân khúc thấp và giản đơn trong chuỗi giá trị của sản phẩm cung ứng toàn cầu, nhu cầu lao động bậc cao tại Việt Nam không lớn nhưng hệ thống giáo dục đại học cũng chưa thể đáp ứng thỏa đáng. Sinh viên được đào tạo trong môi trường nặng về kiến thức, thiếu sáng tạo, thiếu phản biện và thiếu kết hợp với thực tiễn đang thay đổi nhanh. Việc đào tạo lại sinh viên mới ra trường bởi nhà tuyển dụng thường phổ biến, dẫn đến hao phí nguồn lực xã hội.
Về số lượng, Việt Nam có 237 trường đại học, học viện, gồm 172 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra còn có 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ; 31 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Còn về chất lượng, trong bảng xếp hạng của U.S. News năm 2019 có 80 nền giáo dục quốc gia. Theo đó, ở khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp thứ 20, tiếp đó là Malaysia (44), Thái Lan (53), Philippines (55), Indonesia (56), Việt Nam (65).
Riêng đối với hệ thống giáo dục đại học quốc gia, theo Quacquarelli Symonds (QS) năm 2018, có 50 hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á có năm cái tên là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, nhưng không có Việt Nam.
Theo Universitas 21 (Mạng lưới các trường đại học nghiên cứu toàn cầu) năm 2019, có 50 hệ thống giáo dục đại học quốc gia hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng không có tên trong danh sách này, nhưng Đông Nam Á vẫn có Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Báo cáo “Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018 chỉ ra rằng, Việt Nam xếp thứ 75/100 về chất lượng đào tạo đại học.
Với những kết quả xếp hạng, đánh giá trên đây của các tổ chức có uy tín trên thế giới, có thể khẳng định vị trí xếp hạng thế giới của hệ thống giáo dục Việt Nam còn thấp.
Các nhà giáo dục và các chuyên gia đánh giá có nhiều lý do cho sự yếu kém về chất lượng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có thể nêu ra như sau:
Thiếu một triết lý giáo dục mà từ đó thiếu định hướng, thiếu quyết tâm và ý thức về sứ mạng của đại học như chìa khóa của việc canh tân đất nước. Từ đó, thiếu hiểu biết và lúng túng trong việc tổ chức một đại học nghiên cứu hiện đại với những đòn bẩy như chế độ trọng đãi nhân tài. Tinh thần tự do trong học thuật và phát triển con người khai phóng chưa được xem như điều kiện để phát huy năng lực của nguồn nhân lực trong môi trường đại học.
Thiếu chính sách đầu tư tổng thể cho việc phát triển các đại học như một nền tảng cho sự dẫn dắt phát triển quốc gia. Việc quản lý các đại học còn mang nặng tính hành chính, chính trị và lúng túng trong việc tách bạch giữa đại học và các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đại học dân lập, đại học tư phát triển quá mở rộng và thiếu quy hoạch, chất lượng giảng viên lẫn đầu vào sinh viên mang tính đại trà và không có chiến lược để đầu tư xây dựng các đại học ưu tú. Từ đó việc nghiên cứu hàn lâm ở đẳng cấp quốc tế chưa được xem như một nhu cầu tồn tại và danh dự của đại học.
Cơ chế quản lý giáo dục đại học còn nhiều bất cập. Quyền tự chủ của các trường đại học về chuyên môn còn hạn chế. Mặc dù đã có nhiều chủ trương chính sách để các trường đại học triển khai thực hiện tự chủ, nhưng đến nay những nội dung thực tế đảm bảo cho các trường thực hiện quyền tự chủ chưa được quán triệt (xác định các ngành, chuyên ngành đào tạo; xác định các chương trình đào tạo; xác định hình thức tổ chức đào tạo; xác định phương pháp giảng dạy; xác định phương pháp đánh giá các học phần; xác định thời gian đào tạo, vấn đề quản lý tài chính là những tiêu thức được coi là quyền tự chủ cao trong tất cả các hệ và hình thức đào tạo).
Câu hỏi đặt ra là với trình độ phát triển của hệ thống giáo dục đại học hiện nay, Việt Nam liệu có thể thích ứng, tận dụng CMCN 4.0 trong giáo dục để vừa giải quyết các vấn đề hiện tại của chính mình, vừa hội nhập vào guồng với các nền đại học phát triển (nhiệm vụ kép) hay không?
Những gợi ý thay đổi
Có thể nói, không khó đáp ứng các điều kiện về mặt kỹ thuật công nghệ, trí tuệ nhân tạo, và mạng xã hội. Tuy vậy, với các quốc gia phát triển mà ở đó giáo dục đại học là tự chủ và tôn trọng tự do học thuật - nền tảng để đào tạo những con người khai phóng, nhân văn có tư duy phản biện, thì CMCN 4.0 xảy ra như một chất xúc tác để họ càng thành công hơn trong việc tiếp tục tạo ra những nguồn nhân lực như vậy.
Cho nên, đối với Việt Nam, thiết nghĩ lãnh đạo hệ thống giáo dục và quản lý các trường đại học cần có những thay đổi nền tảng phi công nghệ khi bàn đến chuyện thúc đẩy công nghệ giáo dục 4.0, bao gồm:
Thay đổi tầm nhìn của lãnh đạo hệ thống giáo dục và những nhà quản lý đại học, theo đó kế thừa và phát huy tinh thần tự do của giáo dục đại học. Đại học cần hơn sự độc lập, lãnh đạo đại học cần phải là những người có tư duy độc lập, trên nền tảng của tri thức nhân loại, thúc đẩy văn hóa sáng tạo tri thức mới. Tinh thần này lan tỏa trong cộng đồng, trong tổ chức đại học, từ đó trí thức, giảng viên triển khai các tầm nhìn vượt khỏi giới hạn của định kiến, của tư duy cục bộ và nhiệm kỳ, vượt giới hạn của chính những tri thức sẵn có (kế thừa và phát triển chứ không lệ thuộc) thực hiện đúng thiên chức hướng thượng và khai sáng của đại học.
Triết học cần được quan niệm đúng và đưa vào đại học với sự cởi mở và đa chiều, từ đó giải thích và sáng tạo tri thức mới, không rập khuôn và nhân văn hơn.
Nhà nước cần mạnh mẽ ủng hộ tự do học thuật cũng như sự độc lập của đại học. Các nghiên cứu cho thấy khi tự do học thuật được tôn trọng, đại học càng ít lệ thuộc trong đổi mới sáng tạo, càng tạo ra được những con người tốt nhất cho đất nước và cho chính bộ máy quản trị công của Nhà nước.
Thực hiện tự chủ tài chính ở các trường đại học phải được hiểu và triển khai đầy đủ trong mối quan hệ xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các trường với xã hội. Các trường cần được trao không gian tự chủ đầy đủ, từ xây dựng và phát triển chương trình, nghiên cứu và đào tạo, và các vấn đề quản trị nội bộ, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào công tác quản lý nhà nước, chứ không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của các trường.
Thúc đẩy kết hợp học truyền thống và học tập sử dụng công nghệ trực tuyến (Blended Learning) để kết hợp thế mạnh của từng phương pháp và qua đó nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giảng dạy và học tập.
CMCN 4.0 đã thay đổi cách nghĩ về giáo dục. Những thay đổi được thực hiện không chỉ về cách thức giảng dạy, mà cần thiết hơn nhiều là sự thay đổi trong quan điểm của chính khái niệm giáo dục.
Quyết tâm thì đã có, nền tảng kỹ thuật công nghệ cũng không khó hình thành, tầm nhìn của các nhà quản lý đại học sẽ là yếu tố quyết định để Việt Nam bước vào CMCN 4.0 thành công.
Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển và Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Huy - Viện Nghiên cứu Chính Sách Nông nghiệp & Sức Khỏe, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM
Bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/305944/thuc-day-cong-nghe-giao-duc-dai-hoc-can-thay-doi-nen-tang-phi-cong-nghe.
Opmerkingen