top of page
Tìm kiếm

Ba bài viết của HAPRI được lựa chọn vào kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư.

Đã cập nhật: 18 thg 3

Ngày 05/06/2022, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư, do Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ban kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới'' đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế của cả nước được tổ chức tại TP.HCM, mang thông điệp về sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 của địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.


Diễn đàn năm nay đã thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự, là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các bộ, ban, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế. Diễn đàn còn có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao. Những thảo luận tại diễn đàn là căn cứ tham mưu cho Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”.


Tại sự kiện này, 3 bài viết của HAPRI đã được Ban kinh tế Trung ương chọn đăng trên kỷ yếu diễn đàn. Trong đó, 2 bài trình bày ở phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao (trên tổng số 12 bài được chọn), và 1 bài trình bày ở hội thảo Chuyên đề 2: Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản.


Bìa kỷ yếu và trích mục lục các bài viết HAPRI trong phiên toàn thể

Tóm tắt thông tin các bài viết:


1. Kinh tế Việt Nam thời COVID-19: Chính sách ngành


Tác giả: Võ Tất Thắng, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Bích Hiền, Nguyễn Hoàng Lan và Trương Trần Minh Thư


COVID-19 đã làm thay đổi cách vận hành của nền kinh tế trên toàn thế giới. Để có thể nhanh chóng phục hồi lại kinh tế khi COVID-19 dần được kiểm soát, các quốc gia cần có những chiến lược, chính sách phát triển ngành phù hợp với bối cảnh, xu hướng của toàn cầu. Từ các phân tích ma trận thương số LQ và shift-share, bài viết xác định được một số nhóm ngành nổi bật của Việt Nam, bao gồm: nông nghiệp, công nghiệp chế biến-chế tạo, du lịch và thương nghiệp. Trên cơ sở đó cùng với bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Campuchia, Ý, Israel và Đài Loan, bài viết đề xuất một số chính sách tương ứng liên quan đến ứng dụng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển ngành kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.



2. Lựa chọn chính sách để TP.HCM chuẩn bị cho những cú sốc


Tác giả: Võ Tất Thắng, Vũ Ngọc Tân, Trần Thị Phú Duyên, Trương Hoàng Dũng


Việc sớm xây dựng định hướng phát triển trong bối cảnh thế giới mới hậu COVID-19 là vô cùng cần thiết cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Các chính sách cần hướng đến mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện tại, mà còn phải đủ khả năng chống chịu và vượt qua các khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai. Bài viết trả lời hai câu hỏi: (i) TP.HCM cần tập trung phát triển lĩnh vực nào để phù hợp với bối cảnh mới, và (ii) chính quyền TP.HCM cần làm gì để giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng, cũng như phục hồi sau đại dịch.


Cụ thể, các ngành mà TP.HCM cần tập trung đầu tư và phát triển trong thời gian tới bao gồm vận tải kho bãi, khoa học công nghệ, giáo dục, và y tế. Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường đầu vào và tiêu thụ sản phẩm mới. Việc các nước áp dụng biện pháp đóng cửa, phong tỏa đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều quốc gia và địa phương đã không kịp “trở tay” khi quay lại với nguồn cung trong nước, lúc này không đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn và đột ngột.


TP.HCM cũng cần quan tâm đến vấn đề chất lượng thị trường lao động, trong đó, người lao động không chỉ có kĩ năng, mà còn có khả năng và cơ hội được thay đổi việc làm, cũng như sự lựa chọn được di chuyển tìm việc ở địa phương khác. Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động, con người có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng môi trường, tài chính, dịch bệnh, hoặc những khủng hoảng khác mà chúng ta chưa hề nghĩ đến, thì một nền kinh tế có thể đối mặt bền vững với những cú sốc chỉ có ở những nơi mà người lao động có trình độ, được bảo vệ và được trao cơ hội.


3. Hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua phát hành trái phiếu


Tác giả: Võ Tất Thắng, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Bích Hiền, Nguyễn Hoàng Lan và Trương Trần Minh Thư


Phát hành trái phiếu là một trong những hình thức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn do các gói chi tiêu và chương trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Bài nghiên cứu này phân tích mối tương quan giữa các yếu tố tác động và dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu, cũng như giá trị trúng thầu trái phiếu của Việt Nam trong năm 2021. Kết hợp với bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới cho thấy Việt Nam cần tiếp tục xây dựng tiềm lực kinh tế quốc gia để ngày càng thu hút nhà đầu tư và kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ, chỉ vay khi có khả năng trả nợ.


Bìa kỷ yếu và trích mục lục bài viết HAPRI tại Hội thảo chuyên đề 2

Với 3 bài viết được chọn, HAPRI được trực tiếp đóng góp ý kiến của mình vào quá trình xây dựng chính sách kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam trong tình hình mới. Trong tương lai, HAPRI sẽ tiếp tục với các bài viết nghiên cứu định hướng chính sách (policy-driven research) có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.


Bài viết: HAPRI team

Minh họa: Nguyên Thảo

Mục lục kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Việt Nam 4
.pdf
Tải về PDF • 3.89MB


5 lượt xem0 bình luận
bottom of page